GS Tôn Thất Tùng là một nhà phẫu thuật tài ba và nổi tiếng. Cho đến nay, kĩ thuật cắt gan của ông (Ton That Tung’s method) thỉnh thoảng vẫn còn được sử dụng với kết quả tốt. Bài viết này cung cấp thêm vài thông tin về những công trình nghiên cứu của ông trong các thập niên 60 đến 80 của thế kỷ trước.
Hình như có sự nhầm lẫn về con số công trình khoa học của ông. Nhiều bài viết cho biết ông để lại cho đời 123 công trình, nhưng tôi chỉ tìm thấy 31 bài báo của ông trong y văn. Thông tin về 31 công trình nghiên cứu có thể xem trong bảng dưới đây. Nhìn qua danh sách này chúng ta thấy phần lớn những công trình của GS Tôn Thất Tùng được công bố trên tập san y khoa của Pháp (15 bài) và Đức (11 bài). Phần còn lại công bố trên tập san của Anh (Lancet, 2 bài), Nga (2) và Hungary (1). So với thời nay, Giáo sư Tôn Thất Tùng bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu khá trễ, nhưng ông công bố rất đều đặn. Công trình nghiên cứu của ông được công bố vào năm 1956, tức lúc ông 44 tuổi. Đó là một công trình này mô tả sự có mặt của Salmonella hvittingfoss trong phổi, chứ chẳng dính dáng gì đến phẫu thuật. Kể từ đó, năm nào ông cũng có công trình trên tập san y khoa Pháp và Đức. Có một công trình cùng tựa đề và cùng nội dung nhưng ông công bố trên 2 tập san (một ở Đức và một ở Pháp)! Điều đáng chú ý là ông qua đời năm 1982, nhưng năm 1995, con ông là GS Tôn Thất Bách vẫn ghi tên ông là đồng tác giả một bài báo đăng trên tập san Chirurgie (Pháp)!GS Tôn Thất Tùng cũng từng làm nghiên cứu về chất độc da cam. Bài báo trên bee.net.vn viết rằng “Ông còn được thế giới trân trọng vì đã công bố những công trình mở đường cho việc nghiên cứu chất độc da cam/dioxin.” Thật ra, ông chưa bao giờ công bố một công trình nào về chất độc da cam trên bất cứ một tập san y khoa quốc tế nào. Lúc sinh tiền, ông có trả lời phỏng vấn của kí giả Mĩ về chất độc da cam, mà trong đó ông nói rằng Agent Orange có liên quan đến dị tật bẩm sinh và ung thư, nhưng giới chuyên môn Mĩ lúc đó lịch sự xem đó là một “interesting observation” (quan sát thú vị) vì phương pháp nghiên cứu của ông chưa được đánh giá là chuẩn mực. Sau sự kiện này, ông mới phát hiện rằng phương pháp dịch tễ học và thống kê rất quan trọng trong y học và có ý định phát triển bộ môn này ở Việt Nam.Nói một cách khách quan, những công trình của GS Tôn Thất Tùng được công bố trên những tập san không có chất lượng cao (hiểu theo nghĩa ngày nay, tức những tập san có impact factor rất thấp). Thật ra, ngay cả công trình nổi tiếng nhất của ông (đăng trên Lancet năm 1963) chỉ có 29 trích dẫn trong 47 năm. Điều này nói lên rằng công trình không gây tiếng vang lớn. (Cần nói thêm rằng một phương pháp phẫu thuật cắt gan khác mới công bố vào năm 2002 nhưng được trích dẫn gần 200 lần).Nhưng thành tích của GS Tôn Thất Tùng quả thật đáng khâm phục. Phải nói rằng trong điều kiện khó khăn thời đó (50 năm về trước) và phương tiện còn kém, mà ông và đồng nghiệp đã liên tục công bố những công trình nghiên cứu như thế thì người viết bài này chỉ có 4 chữ để nói: thán phục và ngưỡng mộ. Ông quả thật là một tấm gương để thế hệ sau noi theo, và để cho những ai còn ngụy biện rằng nghiên cứu ứng dụng không cần công bố quốc tế nên nhìn lại mình.Các ông trình quan trọng nhất của GS Tôn Thất Tùng đăng trên tập san Lancet và Chirurgie đều có đóng góp của Bs Nguyễn Dương Quang (tôi đoán thế từ tên “Nguyen Duong Quang”). Thật vậy, trong số 31 bài kí tên Tôn Thất Tùng, tác giả Nguyễn Dương Quang đứng tên đồng tác giả gần 1/3 (9 bài). Ấy thế mà không một bài báo nào viết về công trình của Gs Tôn Thất Tùng nhắc đến tên của Bs Nguyễn Dương Quang! Cũng là một điều lạ!Nói tóm lại, có lẽ nói không ngoa rằng GS Tôn Thất Tùng có đóng góp quan trọng cho y khoa quốc tế. Tuy nhiên, vì đóng góp của ông trong một chuyên ngành hẹp, và đại đa số các công trình nghiên cứu của ông xuất hiện trên những tập san có ảnh hưởng rất thấp (và do đó công trình của ông cũng có ảnh hưởng nhưng chưa cao), nên tên tuổi ông không vang xa mà ông xứng đáng. Có lẽ đã đến lúc các nhà nghiên cứu y sử Việt Nam nên làm một tổng kết nghiêm chỉnh về những ứng dụng kĩ thuật Tôn Thất Tùng trên thế giới để lấy lại uy danh cần thiết cho một nhà khoa học Việt Nam.Ghi thêm:Bài báo trên bee.net.vn có vài chi tiết tôi nghĩ là không đúng. Chẳng hạn như bài báo có đoạn viết “Ngay trong những ngày Việt Nam chống Mỹ, báo The Lancet (Dao bầu) ở London, một tờ báo hằng tuần phát hành mỗi kỳ hơn 1 triệu bản, đã đăng bài báo khoa học của Tôn Thất Tùng nhan đề: Một phương pháp cắt gan mới. Bài báo lập tức gây tiếng vang rộng khắp. Chỉ một tháng sau, hơn 100 nhà phẫu thuật từ Mỹ đến Australia gửi thư đến Hà Nội xin GS Tùng cung cấp thêm tài liệu. Một số nhà bác học viết bài dè dặt hoan nghênh. Một số khác kịch liệt phản đối! Cái mới đích thực bao giờ xuất hiện mà chẳng gặp khó khăn?” Phải nói ngay rằng chưa một tập san y khoa nào trên thế giới, kể cả Tập san Lancet, phát hành trên 1 triệu bản cả. Tập san có số phát hành cao nhất là New England Journal of Medicine (NEJM) của Mĩ cũng chỉ dừng lại ở con số trên dưới 500 ngàn. Tập san Lancet đứng hàng thứ 2 hay thứ 3 trong y khoa, nên con số phát hành chắc chắn thấp hơn NEJM. Thông thường, khi một công trình được công bố, có nhiều thư khắp nơi trên thế giới gửi đến tác giả để xin một bản copy hay xin thêm thông tin, hoặc mời hợp tác. Thường thường những lá thư “xin xỏ” đó đến từ những nước nghèo vì họ không có điều kiện đặt mua tập san y khoa thường xuyên. Đó là chuyện bình thường trong khoa học, chứ không có gì đặc biệt lắm. Trong một trả lời phỏng vấn cho báo chí nước ngoài, Gs Tôn Thất Tùng có kể lại một chi tiết thú vị về chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi được hỏi ấn tượng của ông về người bệnh nhân đặc biệt là gì, ông cho biết ngài chủ tịch Hồ Chí Minh rất bình dân và dễ gần gũi. Chủ tịch Hồ Chí Minh không khi nào nói chuyện chính trị với ông, mà chỉ nói chuyện đạo lí và cuộc sống. Ông còn cho biết chủ tịch Hồ Chí Minh sợ tiêm chích, nhưng khi tiêm thuốc trị sốt rét thì ông không hề kêu đau hay phàn nàn gì, nói tóm lại ông là một bệnh nhân … dễ tính.